Trong dịp gần đây, do sự mở rộng đến các địa phương mới của UberGrab nên nhà nhà hưởng ứng, người người hưởng ứng. Người ta còn rủ nhau tổng sỉ vả taxi truyền thống, chê trách chính quyền nếu không cho phép Uber và Grab hoạt động. Bên cạnh đó, hàng ngàn tài xế vốn chạy taxi hoặc chở khách lâu nay cũng rủ nhau tậu xe, lên đời gia nhập đội quân Uber và Grab với mong muốn thu nhập lên gấp vài lần mỗi tháng. Nhưng câu chuyện kinh doanh có đơn giản như vậy?

Quay trở lại bản chất của Sharing Economy, nó được định nghĩa là cho phép con người trao đổi mua bán ngang hàng (peer-to-peer), thường thông qua hình thức online. Mục đích của sharing economy có lẽ là để cắt khâu trung gian, giảm chi phí trung gian, từ đó giảm giá thành sản phẩm. Tuy nhiên ở Uber, Grab hay các app sharing economy khác vẫn chưa trên mô hình ăn chia hoa hồng, điều này phần nào làm xung đột với định nghĩa sharing economy và về lâu dài có thể quay trở lại như kinh doanh truyền thống.
Nói tiếp chuyện Uber hay Grab, người dùng Việt đang hưởng ứng rất mạnh, vì họ đang được educate. Các chương trình tặng code, referal để làm growth hacking được triển khai liên tục làm cho người dùng thấy hào hứng và sử dụng dịch vụ. Vì đang nằm ở giai đoạn educate, đổ tiền vào đốt (và cả tham vọng lật đổ taxi truyền thống) nên người dùng rất thích thú nhờ hưởng lợi giá thấp, dịch vụ tốt, khuyến mãi liên tục. Về tiềm lực tài chính và thói quen truyền thống để chiếm lĩnh thị trường của các tập đoàn quốc tế lớn có lẽ không còn lạ gì.

Vì nhu cầu cao, hoạt động nở rộ nên nhiều tài xế cũng rủ nhau sắm xe để chạy dịch vụ, vấn đề nằm ở đó. Vì mô hình hoạt động như hiện nay, Uber hay Grab cũng chẳng khác gì taxi truyền thống, có chăng chỉ là thay đổi cách thức hoạt động theo hướng hiện đại hơn, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro. Vì dù sao, kinh doanh vẫn là kinh doanh, không bao giờ là đơn giản và dễ dàng.
Vấn đề tôi thực sự quan tâm ở đây là liệu Uber, Grab có giúp tài xế có thu nhập tốt hơn chạy taxi truyền thống và rủi ro nào sẽ đến với tài xế?
.
Phần chi phí, tính cho một chiếc Honda City, chạy UberX, chạy 100km/ngày, 3000km/tháng (tương đương mức trung bình xe dịch vụ): 

- Chi phí khấu hao: 5tr
- Chi phí cơ hội nhờ lãi ngân hàng: 3tr
- Chi phí xăng: 4tr
- Chi phí bảo dưỡng xe: 1tr
- Chi phí lương lái xe, mức tối thiểu: 6tr
- Bảo hiểm ý tế, xã hội: 1tr
=> Tổng chi phí dự kiến: 20tr/tháng, cho 3000km. (Đây là lí do vì sao các hãng cho thuê xe 5-7 chỗ theo tháng cho các doanh nghiệp thường lấy chi phí là từ 23-28tr/tháng, vì như vậy mới có lời).
.
Phần doanh thu dự kiến:

- Với 3000km/tháng, theo nguyên lý 80-20, tài xế sẽ chở khách 2400km, doanh thu sau khi chia hoa hồng cho Uber còn lại 12tr.

Sau khi tính toán sơ bộ, chúng ta thấy các yếu tố có thể làm tăng chi phí: giá xăng tăng, giá xe tăng, lợi nhuận ngân hàng tăng, lạm phát tăng đẩy thu nhập tài xế phải tăng theo, phí bảo dưỡng tăng. Hai chi phí rất lớn nhưng không được nhiều tài xế tính tới đó là khấu hao xe và chi phí cơ hội nhờ lãi ngân hàng (thu nhập thụ động nếu không mua xe). Do đó, tài xế rất dễ thấy lời. Tuy nhiên theo bảng phân tích tài chính thì rõ ràng nếu mức chạy tương đương 100km/ngày thì tài xế đang lỗ nặng. Tài xế chỉ bắt đầu có lời với mức chạy 200km/ngày (điều này chắc ai cũng hiểu là rất khó). Trong khi đó, taxi truyền thống tìm mọi cách cắt giảm các chi phí trên thì mới có khả năng sinh lợi.
.
Đứng ở góc nhìn khác, tài xế cũng chịu nhiều rủi ro nữa:

- Xe chạy 3-5 năm, ODO hơn 100k km, xuống cấp như phần lớn taxi hiện giờ, Uber hay Grab có đảm bảo xe vẫn được cho chạy tiếp hay loại khỏi hệ thống vì khách complain.

- Market size có chừng đó và tăng giới hạn theo năm, trong khi Uber không hề cho biết số liệu xe tham gia, dẫn tới thừa xe thiếu khách, thu nhập của tài xế đương nhiên giảm. Tình trạng này đã xảy ra rồi, lúc đầu thu nhập của tài xế Uber rất cao, nhưng giờ thì rớt nhiều lắm, nhiều tài đã bỏ cuộc. Trong thuật ngữ dân MMO gọi là thị trường chỉ ngon lúc đầu, nhiều người nhảy vào sẽ nát.

- Các chính sách liên quan dành cho người lao động theo quy định của nhà nước được thực hiện tới đâu, ai chịu bảo hiểm và phúc lợi cho tài xế khi cần, khoản này cũng không hề nhỏ?
Liệu cơ hội cho taxi truyền thống vẫn còn?

- Uber tốt và mới thật, nhưng còn đó đầy rủi ro, mỗi thị trường lại có đặc điểm riêng. Các hãng truyền thống vốn cũng cạnh tranh gay gắt lâu nay thì hoàn toàn có cơ hội thắng các tay mơ kinh doanh?
- Tuy nhiên, taxi đã đến lúc phải thay đổi, ứng dụng công nghệ, chia phân khúc khách hàng tốt hơn và nhiều hơn để khách sử dụng dịch vụ tương xứng với khả năng của họ. Sẽ có nhiều khách muốn chi trả cho 6k/km nhưng cũng có nhiều người sẵn sàng trả 30k/km cho dịch vụ cao hơn, nếu cứ nhét chung họ vào chiếc xe cũ giá 10k/km thì làm sao người ta chịu.

Nhìn chung, vấn đề Uber hay Grab vẫn còn rất đáng lưu tâm, không phải đơn giản như vẻ bề ngoài. Cơ hội vẫn còn cho taxi truyền thống. Nếu người người nhà nhà đổ vào Uber thì nguy cơ “giải cứu Uber” là hoàn toàn có thật.
.
Xin cảm ơn ban quản trị duyệt bài.
Nguyễn Ngọc Dũng,
Ylinkee.
PS: Bài viết sử dụng thống kê và ý kiến cá nhân, vui lòng bình luận phản biện chứ không nhận gạch đá.

Bài viết được đăng tải trên diễn đàn SEO Time.
Link bài viết: Liệu có ngày, người Việt rủ nhau “Giải cứu Uber”?