Cây mần tưới và cây ba dót
Cây ba dót
Tên khoa học là: Herba Eupatorii ayapanae.
Thuộc họ cúc – Asteraceae.
Đặc điểm thực vật:
Ba dót hay còn gọi là mần tưới tía hoặc cây bả dột là loại cây thân thảo, cao từ 0,3 – 0, 5m. Thân tròn, có màu tím nhạt,có chia đốt, mỗi đốt dài khoảng 4 cm.
Lá mọc đối,phiến lá nguyên; phần lá ở gần cuống kéo thót lại; lá dài, có 3 gân nổi rõ; cuống lá ngắn.
Hoa màu trắng hay phớt hồng, hợp thành ngù.
Cây mọc hoang ở nhiều nơi trên thế giới.
Bộ phận dùng:
Bộ phận trên mặt đất còn tươi hoặc đã phơi khô của cây ba dót.
Thành phần hoá học:
Các chất coumarin, tinh dầu.
Công dụng:
Ayapanin có tác dụng gây độc với các dòng tế bào ung thư.
Dịch chiết nước của cành lá ba dót có tác dụng kích thích hoạt động của tim, làm giảm nhịp tim và tăng sức co bóp cơ tim.
Cao chiết ba dót bằng ete dầu hoả có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm.
Tinh dầu có khả năng diệt khuẩn, diệt giun.
Trong dân gian, ba dót được dùng làm thuốc chống đông máu, giảm đau, nhuận tràng, chữa ho, diệt giun sán, mối mọt, …
Cây mần tưới
Tên khoa học là:Herba Eupatorii staechadosmi.
Thuộc họ cúc – Asteraceae.
Đặc điểm thực vật:
Mần tưới hay còn gọi là mần tưới trắng là cây thân thảo, cao từ 0,5 – 1 m. Thân , cành nhẵn và có phân nhiều nhánh. Lá mọc đối thuôn dài, đầu nhọn, lá có khía răng thưa. Khi vò, lá có mùi thơm đặc biệt.
Hoa màu trắng hơi hồng, hợp thành ngù, rất thơm.
Cây mọc rải rác trong các vườn gia đình ở miền bắc nước ta.
Bộ phận dùng:
Thành phần trên mặt đất còn tươi hay đã phơi khô của cây mần tưới.
Thành phần hoá học:
Các dẫn xuất của coumarin như bezo anpha pyron , ayapin.
Tinh dầu.
Công dụng:
Cây mần tưới có tác dụng giải cảm, cây được phối hợp với các la cây khác làm thuốc xông.
Dùng ngoài trong các trường hợp chấn thương, mụn nhọt, lở ngứa ngoài da.
Mần tưới còn có tác dụng chữa bế kinh, rối loạn kinh nguyệt, phụ nữ sau đẻ đau bụng do ứ huyết.