1.

Câu “Do right thing right” (chọn đúng việc để làm và làm nó một cách hiệu quả) là câu nói nằm lòng của các nhà quản trị. Hôm nay mình sẽ thử kết nối thành 1 mô hình 2x2. Mô hình có hai chiều:

Chiều dọc: là tính đúng đắn của công việc. Tức là chọn được việc nào đúng để làm. Hay là vạch ra con đường đi đúng để team, tổ chức đi đến đích. Đây là yêu cầu mang tính lãnh đạo (leadership). Nhà lãnh đạo (leader), anh phải xác định tầm nhìn, con đường , chiến lược cho tổ chức.

Chiều ngang: là sau khi đã chọn công việc, con đường, thì anh phải thực hiện nó một cách đúng đắn, có hiệu năng, nghĩa là chi phí thấp, chất lượng cao, thời gian ngắn. Đây là công việc mang nhiều tính quản lý (management).

Ở đây cần hiểu khái niệm leadership và management ở nghĩa rộng. Nó mang tính phẩm chất, khả năng chứ không giới hạn ở vị trí công việc. Nghĩa là, ở mức cơ bản nhất, mỗi cá nhân đều thực hiện 2 thuộc tính này (leadership và management) trong cuộc sống của mình.

- Khi bạn 18 tuổi, bạn chọn Xây dựng của BK để học, thay vì chọn Ngoại thương. Bạn ra 1 quyết định mang tính “lãnh đạo” (leadership). Trong quá trình học BK, nếu bạn tốt nghiệp đúng hạn với bằng loại giỏi, bạn đã thực hiện chức năng quản lý (management) công việc mà mình đã chọn 1 cách đúng đắn. Lúc này bạn ở ô số 1.
[​IMG]
- Bạn sẽ ở ô số 2 nếu bạn tốt nghiệp trễ hạn và điểm số không cao. Bạn vẫn đi đúng hướng nhưng với hiệu năng thấp.

- Bạn sẽ ở ô số 3, khi bạn muốn vào Xây dựng nhưng cuối cùng vì sao đó lại học Điện tử, nhưng khi điện tử bạn vẫn tốt nghiệp đúng hạn với điểm số tốt. Lúc này bạn không theo đúng lộ trình của mình (kém về leadership), nhưng vẫn quản trị tốt. Trường hợp này rất hay gặp khi nhiều bạn nói em vẫn học giỏi ngành đó nhưng mà chẳng biết để làm gì.

- Bạn ở ô số 4, khi bạn muốn vào xây dựng nhưng lại học điện, và sau đó thì cũng không thể tốt nghiệp. Bạn kém cả leadership và management.

2.

Mô hình này có thể áp dụng từ cấp cá nhân, đến team, đến bộ phận, đến tổ chức. Ô số 1 là mục tiêu cần phấn đấu. Ô số 4 là ô đáng sợ nhất, “Do wrong thing wrong”, đi sai đường và làm sai cách. Có rất nhiều người, bạn trẻ hay kêu ca mình bận rộn, nhưng làm việc thì không có hiệu quả (không đạt kết quả) là vì sao? Vì những việc họ làm không hướng đến kết quả cuối cùng, và họ lại không biết cách làm đúng. Thế nên người khác chọn đúng việc và làm nhanh thì họ cứ loay hoay mãi. Tốn nhiều công sức mà không tạo giá trị.

Ô số 3, “do wrong things right”, cũng rất đáng sợ là vì nó quá lãng phí. Nhân sự giỏi, có thể triển khai tốt công việc nhưng gặp sếp dở, chỉ đường sai, nên giống như “hùng hục như trâu húc mả", nghĩa là trâu húc rất mạnh nhưng sai mục tiêu. Nhân viên giỏi gặp sếp dở là chỗ này.

Chúng ta đang ở ô nào?

3.

Chúng ta hay hỏi: Tại sao em/ chúng ta/ team phải làm việc này? (Đó chính là hỏi về tính đúng đắn của lựa chọn công việc- chiều dọc). Còn hỏi: cái này làm thế nào? (là hỏi về cách thức làm cho đúng – chiều ngang). Câu tại sao phải hỏi trước rồi tiếp đến là câu làm thế nào?

Sếp giỏi leadership thì trả lời tốt câu tại sao. Sếp giỏi management thì trả lời tốt câu làm thế nào. Sếp xuất sắc vừa trả lời tốt tại sao vừa trả lời tốt làm thế nào. Bạn trẻ chọn được sếp giỏi để theo thì may mắn vì bạn sẽ được hướng đi đúng đường và làm đúng cách, thấy công việc có ý nghĩa. Còn ngược lại thì lãng phí.

Bạn có sếp loại nào?
Bạn là sếp loại nào?

PS. Mô hình này là mô hình khái niệm, luôn mang tính đơn giản hóa.

Bài viết được đăng tải trên diễn đàn SEOTime.edu.vn
Link bài viết: Do right thing right vs. Do wrong thing wrong